
Bài viết được trích dẫn từ nguồn: Học đại học là một khoản đầu tư hiệu quả? của TS. Trần Đức Huân, mời bạn đọc tham khảo.
Không nhớ rõ cách đây mấy năm, Huân có đọc một tin tức về việc một giảng viên đại học bị “ném đá hội đồng” do một bài đăng trên Facebook. Bài đăng nói về việc “hãy xem xét khía cạnh đầu tư khi học đại học”, đại loại thế. Không nhớ rõ ai là tác giả của bài đăng đó, Huân chỉ nhớ là một thầy bên Đại học Kinh tế thì phải. Ngày đó Huân chưa tiếp xúc nhiều với những con số kinh tế, cũng không có nhiều kinh nghiệm “tiền nong”, giờ thì đỡ “ngu” hơn trước chút ít, cũng ngộ ra vài điều muốn trao đổi với các em sinh viên, thậm chí các học sinh lứa tuổi phổ thông chuẩn bị học đại học, và cả phụ huynh các em nữa. Bắt đầu nhé!

Đầu tư là gì?
Nói về đầu tư, Huân đang nói về đầu tư trong lĩnh vực tài chính (khác với trong kinh tế học). Theo định nghĩa, đầu tư là việc đặt tiền (vốn) vào một tài sản với mục đích và hy vọng tài sản đó sẽ tạo ra thu nhập hoặc được định giá cao hơn trong tương lai, và bán được với giá cao hơn. Đầu tư được dùng để đề cập một triển vọng dài hạn.
Các hoạt động đầu tư (gọi tắt là đầu tư) không bao gồm tiền gửi tại ngân hàng, hay các tổ chức tương tự. Tài sản đầu tư thông thường là các trái phiếu chính phủ, hoặc cổ phiếu, cổ phần tại các công ty, tổ chức, hoặc doanh nghiệp. Và đầu tư khác với hoạt động trao đổi và đầu cơ (chúng mang tính ngắn hạn).
Tóm gọn lại, hoạt động đầu tư có 3 đặc điểm chính sau:
- Phải dùng vốn (tiền)
- Có tính dài hạn (thường trên 2 năm)
- Nhằm mang lại lợi ích (tài chính, xã hội)
Và đương nhiên những hoạt động mang 3 đặc điểm trên: dùng vốn (tiền, hoặc tương đương tiền) nhằm mục đích mang lại lợi ích trong dài hạn thì được gọi là đầu tư. Chốt nhé.!
Học đại học thì như thế nào?
1. Học đại học có dùng vốn không?
1.1 – Tiền
Khi học đại học, các sinh viên (không tính sinh viên nhận học bổng toàn phần hoặc được miễn giảm học phí, hoặc được tài trợ sinh hoạt phí) phải chi trả một số loại phí như sau: tiền học phí, tiền sinh hoạt phí, tiền đoàn, hội, tiền học thêm ngoại ngữ, tiền học kỹ năng mềm… và nhiều loại tiền khác, ước chừng mỗi loại như sau (tính tại Hà Nội, TPHCM):
- Học phí: 15-20 triệu / năm học
- Sinh hoạt phí: 2,5 – 3 triệu tháng (30 – 35 triệu / năm)
- Chi tiêu học thêm: 5 triệu / năm
- Khác: 2 – 5 triệu / năm

Như vậy, hàng năm, sinh viên tại các thành phố lớn chi trả khoảng 45 – 60 triệu cho các loại chi phí. Sau 4 tới 5 năm học tập, mỗi sinh viên tiêu hết khoảng 180 tới 300 triệu đồng. Chắc chắn, đây là số tiền gia đình (hoặc bản thân sinh viên) sẽ phải chi ra.
>>> Xem thêm: TOP 5 việc làm thêm cho sinh viên
1.2 – Thời gian
Khi tính toán việc học đại học, thông thường mọi người chỉ nghĩ chi phí cho việc học bằng “tiền”. Một loại “vốn” hoặc “chi phí” khác Huân muốn các em sinh viên, các em học sinh hoặc phụ huynh các em cần tính tới là “thời gian”. Loại “vốn” này rất đặc biệt, như nhau với mọi người (24 giờ / ngày), và không “tái sử dụng” được.
Học đại học thông thường mất 4 năm (cho hệ cử nhân) hoặc 5 năm (cho hệ kỹ sư), chưa kể (học không tốt thì bị) tăng kỳ, tụt ca (K). Với mỗi năm trôi qua, tuổi trẻ sẽ ngắn lại. Thay vì ngồi trên giảng đường đại học (và nộp học phí), những người không học có thể dành thời gian này cho việc kiếm tiền bằng các công việc thường xuyên (làm thuê, làm chủ). Thời gian học đại học chẳng phải thiệt đơn, thiệt kép sao? (Mất học phí và Không kiếm được thu nhập)
Đấy nhé, đi học Đại học phải dùng khá nhiều vốn: khoảng trên dưới 200-300 triệu cộng 4 hoặc 5 năm tuổi trẻ. Quả là một con số giật mình, nhỉ?
2. Học đại học có tính dài hạn không?
Khi học đại học, người học phải xác định sẽ “tiêu tốn” tối thiểu 4 năm, thậm chí +1, +2 năm nếu “số nhọ”. Kết quả thực sự mà sinh viên đạt được chỉ có thể trả lời sau tốt nghiệp 2, 3, thậm chí 5, 7 năm. Như vậy, từ lúc bắt đầu ngồi trên ghế giảng đường, tới lúc “gặt thành quả” phải tới 6, 7 hoặc thậm chí 9, 10 năm. Đây là một khoảng thời gian “đủ dài” để nói rằng “học đại học” mang tính dài hạn.
Thế nhé: học đại học mang tính dài hạn.
3. Học đại học nhằm mục đích gì?
Cái “mục đích” của học đại học mới là vấn đề đáng suy ngẫm và “gây nhiều tranh luận”. Trước khi bàn về chuyện này Huân xin kể một vài lý do mà sinh viên Huân từng tiếp xúc đã thổ lộ:
- Em đi học đại học để bố mẹ em vui
- Em đi học vì người yêu em học gần đây
- Em đi học vì cần lấy bằng đại học
- Em đi học vì … chẳng biết học gì
- Em đi học vì … người ta bảo học
- Em đi học vì … thấy bạn em đi học
- Em đi học vì … lên đây xa gia đình sẽ được chơi thoải mái
- Em đi học vì .. “em không biết”
Đấy, “vãi” cả lý do.
Thử hỏi các bạn, các em, lý do “to” như thế thì học hành cái gì? kết quả “đoán được” sẽ ra sao? Phần lớn các sinh viên đi học đại học với những lý do như trên sẽ thuộc nhóm sinh viên lười học, thậm chí thành những bóng ma giảng đường.
Các phụ huynh, các học sinh chuẩn bị bước vào đại học có muốn con em mình, có muốn bản thân mình đi học với những lý do này?
Quay lại “mục đích” của việc học đại học, các em và phụ huynh hãy nhớ: hệ thống giáo dục đại học và việc học đại học là nhằm tạo ra tri thức mới (thông qua nghiên cứu) và trí thức chất lượng (thông qua giảng dạy) cho xã hội. Đại loại là đại học nhằm mục đích tạo ra con người, và kiến thức chất lượng cao để có thể dẫn dắt, quản lý, quy hoạch, thiết kế, phục vụ nhu cầu phát triển xã hội, phát triển đất nước. Và để đánh giá chất lượng con người sau học đại học, xã hội (doanh nghiệp) thường dựa trên 03 tiêu chí:
- Kiến thức và kỹ năng chuyên môn / ngành nghề
- Kỹ năng mềm và Kiến thức công cụ
- Thái độ nghề nghiệp / đạo đức nghề nghiệp
Đấy, đại học là thế. Các em và phụ huynh có hướng tới mục đích như thế không? Có định học đại học để trở thành người giỏi chuyên môn, đạo đức tốt, có kỹ năng mềm và kiến thức công cụ tốt?
Nếu 03 tiêu chí kể trên đều tốt, “tài sản” – chính là “sinh viên sau tốt nghiệp” có đạt mục tiêu “sinh lợi” hay “có giá trị” cao hơn không? Chắc chắn CÓ, nhỉ?
Như vậy, việc học đại học bao gồm đủ 03 đặc điểm:
- Phải dùng vốn (tiền và thời gian)
- Mang tính dài hạn (5, 7, 10 năm)
- Nhằm mục đích sinh lợi (nhân sự tốt, thu nhập cao)
Và KẾT LUẬN là HỌC ĐẠI HỌC là một hoạt động ĐẦU TƯ. Không cãi nhau nữa nhé.!
>>> Xem thêm: TOP 5 kỹ năng mềm thiết yếu cho sinh viên
Đầu tư học đại học sao cho hiệu quả?
Với mục đích rõ ràng là “đầu tư” cần “sinh lợi”, người học hãy đi học đại học với mục tiêu “sinh lợi” nhiều nhất có thể. Việc “sinh lợi” nhiều hay ít phụ thuộc điều gì? Huân cho rằng, nó phụ thuộc vào “chất lượng tài sản”, chất lượng “sau tốt nghiệp” của sinh viên đó!

Chính vì vậy, trong thời gian học đại học, người học hãy chuyên tâm nâng cao chất lượng và giá trị bản thân thông qua 03 hoạt động:
- Tập trung về chuyên môn
- Cải thiện kỹ năng mềm và kiến thức công cụ
- Trau dồi đạo đức làm nghề, đạo đức làm người
Hãy tận dụng thời gian học đại học để ngẫm ra và thấu hiểu đạo lý: học để làm được việc, để làm giỏi việc; học để làm người có ích; học để sống với đam mê; học để được cống hiến; học để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình!
Và hơn ai hết, các bậc phụ huynh hãy nhận thức và phân tích cho con em mình hiểu được “học đại học để làm gì”. Hãy định hướng nghề nghiệp thật chuẩn cho con em. Đừng để “giá như hoặc biết thế” nhé.!
Nếu thấy việc học đại học không đúng như mong muốn, kỳ vọng của gia đình, đặc biệt của cá nhân học sinh, thì hãy đưa ra những lựa chọn khác: học nghề; đi lao động; nhập ngũ; … hoặc những định hướng nghề nghiệp khác.
(Về chủ đề: Định hướng nghề nghiệp, Huân sẽ có bài cập nhật ngay tại đây, sớm thôi)
>>> Xem thêm: Đừng là những bóng ma giảng đường
Tạm kết
Trên đây là ý kiến và quan điểm cá nhân Huân về việc “đầu tư học đại học”, quan điểm này có thể “chưa chuẩn” hoặc có một vài lời lẽ “chưa chuẩn”, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý bạn đọc, quý phụ huynh, và các em học sinh, sinh viên.
Cuối cùng, chúc mọi người “đầu tư” sinh lợi lớn !
Love, thầy Huân !
(Đón đọc bài viết: Định hướng nghề nghiệp – Đừng để “giá như”)
Trên đây là giới thiệu bài viết về việc học đại học dưới góc độ đầu tư. Hy vọng bạn đọc có thể rút ra những kinh nghiệm và có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc định hướng nghề nghiệp tương lai.
Liên hệ Bộ môn Kỹ thuật cơ khí – Đại học Mỏ Địa chất.
Số điện thoại: 0243.755.0500
Đào tạo đại học: Chuyên ngành Công nghệ Chế tạo máy.
Đào tạo đại học: Chuyên ngành Máy và Tự động thủy khí.
Đào tạo Sau đại học: Thạc sĩ Kỹ thuật cơ khí.
Trang Fanpage: https://www.facebook.com/ktck.humg/
Email: bomonktck.humg@gmail.com
Website: www.ktck-humg.com
Để lại một phản hồi