Bài viết được trích dẫn từ nguồn: Định hướng nghề nghiệp – Đừng để giá như của TS. Trần Đức Huân, mời bạn đọc tham khảo.
ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CHO CHUẨN
Thông thường, các bài viết của Huân sẽ tập trung vào các vấn đề của sinh viên hoặc xoay quanh đời sống thường ngày của sinh viên. Tuy nhiên, trong bài viết này Huân sẽ đi xa hơn chút trong đối tượng bạn đọc, đặc biệt Huân muốn gửi gắm tâm tư, tình cảm và những lời nhắn nhủ không những tới các sinh viên mà còn tới các em học sinh dưới bậc Trung học phổ thông (THPT). Chủ đề Huân thực sự mong mỏi và rất mong các em học sinh THPT cần nghiêm túc xem xét, cân nhắc và đắn đo lựa chọn chính là việc “định hướng nghề nghiệp” hay “lựa chọn nghề nghiệp” hay “lựa chọn ngành học” sau khi tốt nghiệp phổ thông. Bắt đầu nhé các em.
Cái giá của “Giá như”
“Giá như” có lẽ là từ tiếng Việt đắt giá nhất mà mỗi chúng ta sẵn sàng trả để làm được điều gì đó đã xảy ra trong quá khứ và chắc ai cũng biết, cơ hội làm lại điều đó gần như “bằng 0”: giá như ngày đó chăm học hơn; giá như mình chịu học tiếng Anh hơn; giá như quan tâm tới bạn ấy nhiều hơn; đặc biệt “giá như lựa chọn ngành học chuẩn hơn” hoặc “giá như lựa chọn công việc tương lai sớm hơn”… Với “giá như” trong quá khứ, chắc hẳn thực tại đã khác! Đau và Đắt quá, nhỉ?
Và bài viết này, Huân mong muốn các em học sinh phổ thông hoặc những sinh viên năm nhất đại học hãy suy nghĩ kỹ, lựa chọn và quyết định với sự cân nhắc và đắn đo nghiêm túc khi “định hướng nghề nghiệp” hoặc “lựa chọn công việc tương lai”, đừng để phải thốt ra những từ “giá như” hay “biết thế”.
Định hướng nghề nghiệp: Đi tìm ý nghĩa cuộc đời
Đã bao giờ em tự hỏi: lớn lên mình sẽ làm gì? tại sao lại muốn làm những việc đó? Nếu em không nghĩ về việc này từ thời học phổ thông, thì có thể sau này em sẽ làm một công việc mình không hề mong muốn, thâm chí căm ghét nó. Em có muốn điều này xảy ra với mình?
Em có nghĩ: mỗi chúng ta sinh ra là một kiệt tác, là một điều kỳ diệu của tạo hóa? Chắc chắn rồi! Mỗi chúng ta, ai cũng có những khả năng đặc biệt để giúp cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn. Chính vì vậy, hãy biến mình thành người đặc biệt, dựa trên khả năng đặc biệt của mình, và khi phát huy được những thứ đặc biệt của bản thân, em sẽ đóng góp tốt nhất cho cuộc sống, cho chính mình, và rồi em sẽ cảm thấy hài lòng về cuộc sống, về chính bản thân, em nhé.
Huân dạy trên môi trường đại học, tiếp xúc với nhiều thế hệ sinh viên, thật đáng buồn khi tiếp xúc với khá nhiều sinh viên được cho là đã “lựa chọn sai ngành học”, rồi dẫn tới “lười học”, “chán học”, thậm chí tự biến mình thành những “bóng ma giảng đường”. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một yếu tố quan trọng là “định hướng nghề nghiệp” chưa tốt, ngay từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường tại bậc phổ thông.
>> Đừng là những bóng ma giảng đường.
Vậy làm thế nào để có thể “định hướng nghề nghiệp” chuẩn? Việc này chưa bao giờ đơn giản, tại sao? Mình tìm hiểu lý thuyết trước nhé.
1. Lý thuyết con nhím
Một trong những lý thuyết được sử dụng phổ biến trong việc xác định nghề nghiệp tương lai là Thuyết con nhím (Hedgehog Concept ). Theo thuyết con nhím, để tìm ra nghề nghiệp lý tưởng, mỗi chúng ta cần dựa trên 3 khía cạnh:
- Điểm mạnh của bản thân (thứ mình giỏi)
- Đam mê của bản thân (thứ mình thích làm, muốn làm)
- Nhu cầu xã hội (thứ tạo ra tiền, xã hội cần)
Và như vậy, để tìm ra được nghề nghiệp lý tưởng, chúng ta phải tìm ra được công việc, ngành học thỏa mãn cả 3 yếu tố: vừa thích, vừa giỏi, và vừa tạo ra tiền. Không đơn giản, nhỉ ?
2. Lý thuyết cây nghề nghiệp
Ngoài thuyết con nhím, lý thuyết cây nghề nghiệp cũng được sử dụng khá phổ biến, trong đó phân chia “Điểm mạnh bản thân” thành hai yếu tố: Khả năng và Cá tính; “Đam mê bản thân” thành Sở thích và Giá trị nghề nghiệp, còn Thứ xã hội cần tương đương Thân cây, cành cây. Về cơ bản, lý thuyết cây nghề nghiệp tương tự lý thuyết con nhím.
Với việc tìm ra “điểm mạnh” và “sở thích”, các em đã tạo bộ “rễ” vững chắc cho thân cây phát triển. Hãy cùng đi khám phá từng yếu tố nhé.
Phân tích các yếu tố để định hướng nghề nghiệp
1. Khám phá điểm mạnh của bản thân
Để tìm ra điểm mạnh thực sự của bản thân thì mỗi chúng ta cần tìm hiểu và đánh giá qua quá trình khá dài. Với việc trả lời và tổng hợp những câu hỏi dưới đây, các em sẽ có cái nhìn khá tổng quát về điểm mạnh của mình, hoặc bản chất của “tôi là ai? sở trường của tôi là gì?”:
- Khi nào em tận tụy nhất, nồng nhiệt nhất? (làm tay chân, chơi thể thao, viết lách, suy nghĩ, tư duy,…)
- Khi nào em thấy mình sáng tạo nhất? (gặp khó khăn, nghĩ giải pháp, hiến kế, nghĩ cái mới,… )
- Khi nào em thấy tự tin vào bản thân nhất? (khi làm việc một mình, khi làm việc nhóm, đứng trước nhiều người,.. )
- Thành tích lớn nhất mà em từng đạt được? (giải nhất cuộc thi, thiết kế sản phẩm, hùng biện tiếng Anh,…. )
- Mọi người nghĩ gì về em khi em thành công nhất thế nào? (thông minh, cần cù, sáng tạo, bạo dạn, đột phá, liều lĩnh,… )
- Em đang dùng tài năng gì nhiều nhất? (ca hát, nhảy múa, thể thao, vẽ, toán học, nghiên cứu, viết văn, làm thơ… )
- Em thấy nổi trội nhất về lĩnh vực gì? (xã hội, tự nhiên, tâm lý, tính toán, kế toán, thiết kế, mỹ thuật, kiến trúc, cơ khí, điện tử,… )
- Em xử lý những vấn đề nan giải, phức tạp như thế nào? (bình tĩnh, hốt hoảng, lì lợm, tư duy có logic, làm theo cảm hứng, hành động theo số đông,… )
- Nếu làm công việc đó, ngoài ra em thích làm thêm gì? (kinh doanh, bán hàng, marketing, đào tạo, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch, viết văn,… )
- Nếu không cần bận tâm về thu nhập, em sẽ chọn làm gì? (du lịch, làm video, sản xuất nhạc, chơi nhạc cụ, vẽ tranh, thiết kế mô hình,…. )
- Em thường theo đuổi một việc trong bao lâu? (1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, tới khi hoàn thành… )
Với việc tự thực hiện các câu hỏi này, em có thể xây dựng một báo cáo về bản thân có tên “Tôi là ai? Tôi mạnh ở điểm gì?”. Báo cáo này sẽ liệt kê những tính chất nổi trội và thế mạnh kể sau:
- Thể lực tốt
- Suy nghĩ thực tế
- Phản biện sắc xảo
- Tư duy, trí nhớ tốt
- Say mê thực hành các quy trình kỹ thuật
- Khéo tay, tỉ mỉ
- Năng lực chú ý tốt
- Thị lực tốt
- Trí tưởng tượng không gian tốt
- Cảm giác vận động tốt
- Chịu đựng căng thẳng tốt
- Kiên trì
- Khí chất thần kinh ổn định
- Tư duy logic tốt
- Làm việc có thứ tự, có phương pháp
- Tò mò, quan sát tinh tế
- Nghiêm khắc với bản thân
- .. vân vân. nhiều lắm (đọc hết tới cuối và làm trắc nghiệm nhé)
Hãy thực hành nghiêm túc những câu hỏi trên, và đưa cho mình một hoặc nhiều đáp án.
Ở cuối bài, Huân có đính kèm link để em có thể làm trắc nghiệm và nhận tư vấn. Ngoài ra, để chắc chắn những nhận định về bản thân có độ tin cậy, em hãy hỏi người thân, bạn bè và nhờ họ đánh giá các điểm mạnh của em, rồi tổng hợp lại nhé.
2. Tìm ra sở thích và đam mê nghề nghiệp
Sau khi có bản báo cáo “Tôi mạnh ở điểm gì?”, giờ là lúc liệt kê chi tiết những việc em muốn làm, thích làm, hoặc giá trị nghề nghiệp em mong muốn theo đuổi để tiếp tục suy luận, để tìm ra nghề nghiệp tương lai. Theo lý thuyết cây nghề nghiệp, Sở thích và Giá trị nghề nghiệp sẽ tương đương với Đam mê của em.
Em hãy nhớ, để có một cuộc sống cân bằng và thỏa mãn, nghề nghiệp lựa chọn không những phải phù hợp với “tôi là ai? và điểm mạnh của tôi là gì?” mà còn phải đáp ứng “sở thích của em”. Nếu em không thấy “thích” và không hài lòng với công việc hiện tại, sẽ rất khó để làm tốt, làm giỏi công việc đang làm. Nếu em cố gắng làm những việc không đồng nhất với giá trị, niềm tin và những niềm vui hằng mong muốn, thật là một sự đau khổ, căng thẳng và áp lực vô cùng.
Việc tìm ra các công việc yêu thích gắn liền với điểm mạnh là vô cùng quan trọng, vì nếu hai yếu tố này không tương đồng với nhau, thì đó sẽ là “thảm họa nhân sự” về sau. Đơn cử thế này nhé: em thích đá bóng và thường xuyên đá bóng, trong khi “kỹ năng đá bóng kém và thể hình hạn chế”, mỗi lần vào sân đồng đội sẽ rất run, nhỉ? Ý là, công việc em thích làm là tốt rồi, nhưng phải gắn với điểm mạnh của mình thì sẽ tuyệt vời hơn.
Trong lý thuyết về cây nghề nghiệp “Tôi là ai” (Khả năng + Cá tính) và “Đam mê” (Sở thích + giá trị nghề nghiệp) là phần “rễ” của cây. Muốn cây trĩu quả, nhiều trái, nảy nở và phát triển bền vững với thời gian thì phần “rễ” phải vững. Và quan trọng nữa, các nhánh của “rễ” cần có sự liên quan, bổ sung và hỗ trợ nhau, và tuyệt đối không “đá” nhau, nhé.
Tức là sở thích và đam mê nghề nghiệp không được đối lập với khả năng cũng như cá tính em.Ví dụ, em có các điểm mạnh về kỹ thuật, mà thích trở thành họa sĩ hoặc ca sĩ thì sự nghiệp sẽ khó thành công. Hoặc em có tiềm năng về nghiên cứu nhưng lại thích làm nghiệp vụ kế toán, sự nghiệp có dễ thăng hoa? Nghe vẻ bất ổn nhỉ?
Để tìm ra sở thích, em hãy trả lời các đặc điểm mô tả để thấy mình thuộc 01 trong 06 kiểu người như sau (hoặc có thể một vài trong 06 kiểu, liệt kê theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp, điểm cao nhất là đang thích nhất, và ngược lại) (phần trắc nghiệm cuối bài viết, đừng vội vàng nhảy cóc nhé em, thời gian còn dài, hãy cứ từ từ cảm nhận):
- Có sở thích Kỹ thuật (Nhóm KT)
- Có sở thích Nghiên cứu (Nhóm NC)
- Có sở thích Nghệ thuật (Nhóm NT)
- Có sở thích Xã hội (Nhóm XH)
- Có sở thích Quản lý (Nhóm QL)
- Có sở thích làm Nghiệp vụ (Nhóm NV)
Sau khi tìm ra điểm mạnh ở phần trên, thì giờ hãy “khớp nối” các điểm nổi trội của bản thân với “sở thích nghề nghiệp”. Tức là có thể “các điểm mạnh” không khớp ngay với “sở thích số 1”, mà lại “ăn nhập” với nhóm sở thích số 3, hãy suy nghĩ kỹ về việc này, và mạnh dạn thay đổi. Thích rồi, nhưng phải phù hợp với Khả năng của mình, em nhé.
>> TOP 5 kỹ năng mềm cho sinh viên.
3. Chọn nghề xã hội cần và phù hợp với điểm mạnh cũng như sở thích
Sau khi định vị được “điểm mạnh” và “đam mê”, bước tiếp theo em cần đưa ra danh sách các công việc phù hợp, rồi lựa chọn những nghề, ngành có tương lai tốt, có nhu cầu cao. Với việc đưa ra một danh sách gồm 3-5 nghề nghiệp phù hợp với “điểm mạn” và “đam mê”, em sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm về các ngành nghề này để đưa ra 1, 2 lựa chọn em thấy tốt nhất. Để tìm hiểu thêm về ngành nghề, em có thể tìm hiểu bằng cách “google” một số câu hỏi như sau:
- Mô tả công việc của …. (ví dụ: kỹ sư cơ khĩ; kỹ sư chế tạo máy; kỹ sư máy thủy khí, ….. )
- Nghề “…” thu nhập cao không? (ví dụ: kỹ sư cơ khĩ; kỹ sư chế tạo máy; kỹ sư máy thủy khí, ….. )
- Nghề “…” có dễ xin việc không? (ví dụ: kỹ sư cơ khĩ; kỹ sư chế tạo máy; kỹ sư máy thủy khí, ….. )
- Triển vọng nghề nghiệp của … (ví dụ: kỹ sư cơ khĩ; kỹ sư chế tạo máy; kỹ sư máy thủy khí, ….. )
Nếu chưa rõ về ngành nghề, hãy hỏi người thân, họ hàng thêm về những công việc, ngành nghề quan tâm. Còn để rõ ràng hơn nữa, em có thể hỏi thông tin tại các trường, các công ty, doanh nghiệp có sử dụng lao động. Hãy cứ bình tĩnh, tìm hiểu kỹ, và lựa chọn chuẩn xác, phương châm là “chậm mà chắc”.
Thử và sai
Việc tìm ra “điểm mạnh”, “đam mê” và “công việc, ngành nghề phù hợp” thực sự là không dễ dàng. Điều này bắt nguồn từ việc “cá tính” và “sở thích” có thể thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, ở trước ngưỡng cửa cuộc đời, em hãy cứ suy nghĩ và lựa chọn, vì sau này “có vấn đề gì” thì cũng đã có thể “tự an ủi” mình đã “suy nghĩ và lựa chọn”. Nếu thực tại em chưa hài lòng: đó là chuyện bình thường, em đang bước sang một nấc thang phát triển mới, đã đến lúc tiếp tục “cân nhắc” và “lựa chọn”. Quan trọng rằng đừng để những cảm xúc lẫn lộn lấn át suy nghĩ logic và có cơ sở. Sau tất cả, “cuộc sống chúng ta được tạo ra bởi những lựa chọn”. Chúc em có những lựa chọn chính xác, nhé !
Tạm kết
Trên đây là “gợi ý” và “tổng hợp” những kiến thức cá nhân và góc nhìn Huân biết về chuyện “chọn nghề” và định hướng nghề nghiệp. Huân hy vọng những chia sẻ của mình sẽ giúp em có cơ sở để tìm ra những “công việc, những ngành nghề phù hợp”, qua đó là bước đệm để có một cuộc sống thành công, hạnh phúc.
Good luck and see you, very soon!
Much love, thầy Huân.
Link làm trắc nghiệm “điểm mạnh”; “sở thích” và “nghề nghiệp”: tại đây.
>> Xem thêm: Học đại học là khoản đầu tư đúng đắn?
Trên đây là giới thiệu bài viết về Định hướng nghề nghiệp. Hy vọng bạn đọc có thể rút ra những kinh nghiệm và có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc định hướng nghề nghiệp tương lai.
Liên hệ Bộ môn Kỹ thuật cơ khí – Đại học Mỏ Địa chất.
Số điện thoại: 0243.755.0500
Đào tạo đại học: Chuyên ngành Công nghệ Chế tạo máy.
Đào tạo đại học: Chuyên ngành Máy và Tự động thủy khí.
Đào tạo Sau đại học: Thạc sĩ Kỹ thuật cơ khí.
Trang Fanpage: https://www.facebook.com/ktck.humg/
Email: bomonktck.humg@gmail.com
Website: www.ktck-humg.com
Để lại một phản hồi