Tên ngành: Kỹ thuật cơ khí
(Tên Tiếng Anh: Mechanical Engineering)
Mã ngành: 7520103
Thời gian đào tạo: 4,5 năm (9 học kỳ)
Tổng số tín chỉ: 154 TC (không bao gồm các học phần Giáo dục QPAN và Giáo dục thể chất)
Ngành Kỹ thuật Cơ khí (Mechanical Engineering) là một ngành khoa học kỹ thuật nghiên cứu và ứng dụng. Ngành Kỹ thuật Cơ khí có lịch sử phát triển lâu đời nhất, đây là một ngành khoa học nền tảng gắn liền với sự phát triển của khoa học kỹ thuật (KHKT) và nền sản xuất công nghiệp, cơ giới hoá thay thế sức lao động trực tiếp của con người. Lĩnh vực cơ khí và cơ giới hoá sản xuất được con người nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ trong hàng nghìn năm từ những cố máy bằng gỗ dùng sức nước hoặc gia súc, sức gió cho tới sự bùng nổ phát triển kỹ thuật thiết kế, chế tạo và hoàn thiện các cố máy cơ khí có công suất lớn vào khoảng thể kỷ 17 và 18. Phiên bản động cơ hơi nước đầu tiên được nghiên cứu hoàn thiện và có sản phẩm thương mại được nghiên cứu bởi một nhà khoa học người Anh mang tên Thomas Newcomen (1663 – 1729), tiếp đó là đầu máy xe lửa hơi nước do James Watt (1763 – 1775) đã đánh dấu bước nhảy vọt về trình độ KHKT của nhân loại. Cho tới ngày nay, ngành Kỹ thuật cơ khí đã phát triển và nhiều ngành nhỏ đã tách ra khỏi ngành lớn Kỹ thuật cơ khí. Kỹ thuật cơ khí bao gồm các học phần chia thành các khối: khoa học cơ bản, khoa học cơ sở ngành và các học phần chuyên ngành. Nội dung các học phần đều xoay quanh việc nghiên cứu và ứng dụng các nguyên lý vật lý, cơ học kết cấu và khoa học vật liệu, nguyên lý máy, công nghệ chế tạo máy nhằm phân tích, thiết kế và chế tạo máy và chi tiết máy, hệ thống cơ khí, cũng như biện pháp bảo dưỡng nhóm thiết bị, máy móc cơ khí.
Hiện nay, ngành Kỹ thuật cơ khí của Trường Đại học Mỏ – Địa chất đào tạo hai chuyên ngành: Công nghệ chế tạo máy và Máy và thiết bị mỏ. Với bề dày kinh nghiệm hơn 55 năm đào tạo, sinh viên theo học ngành Kỹ thuật Cơ khí tại Trường Đại học Mỏ – Địa chất được trau dồi các kiến thức khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, được trang bị những kiến thức cơ sở ngành về Kỹ thuật Cơ khí như: Hình học hoạ hình, Vẽ kỹ thuật, Cơ lý thuyết, Sức bền vật liệu, Nguyên lý máy, Chi tiết máy, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điện tử, cho tới khối kiến thức chuyên ngành như Công nghệ kim loại, Công nghệ gia công cắt gọt kim loại, Chế tạo phôi, Tin học ứng dụng trong cơ khí (thiết kế 2D, 3D, phân tích & mô phỏng), Công nghệ CAD/CAM/CNC, Lập trình gia công trên máy CNC, Máy và thiết bị công nghiệp, Động cơ đốt trong, Máy thủy khí, Máy và thiết bị sử dụng trong lĩnh vực khai khoáng.
Sinh viên được làm việc với các giảng viên được đào tạo tại các nước phát triển như Mỹ, Đức, Pháp, Canada, Nga, Nhật bản, Trung Quốc … Ngoài các khối kiến thức khoa học chuyên môn, sinh viên ngành Kỹ thuật cơ khí được chú trọng phát triển các kỹ năng: Kỹ năng tư duy logic, Kỹ năng tư duy sáng tạo, Kỹ năng làm việc nhóm, Kỹ năng quản lý thời gian. Bên cạnh đó, sinh viên còn được tham gia rèn luyện kỹ năng thực hành tại các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành với các thiết bị cơ khí tiên tiến; tham quan thực tế các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước; sinh hoạt tại các CLB và thường xuyên tham dự các cuộc thi chế tạo máy, lái xe sinh thái, robot trong và ngoài trường. Đây là những điểm mấu chốt không thể thiếu giúp sinh viên hoàn thiện những kỹ năng cơ bản nhất đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Sau khi tốt nghiệp sinh viên ngành Kỹ thuật cơ khí có thể làm việc tại:
- Trường đại học, cao đẳng đào tạo lĩnh vực cơ khí;
- Viện nghiên cứu cơ khí, viện nghiên cứu máy và thiết bị khai thác mỏ;
- Tư vấn, thiết kế dự án cơ khí;
- Các doanh nghiệp sản xuất, khai thác mỏ;
- Các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo máy và chi tiết máy, kết cấu cơ khí.