Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật cơ khí động lực

Tên ngành: Kỹ thuật cơ khí động lực

Mã ngành: 7520116

Thời gian đào tạo: 4,5 năm (9 học kỳ)

Tổng số tín chỉ: 154 TC (không bao gồm các học phần Giáo dục QPAN và Giáo dục thể chất)

Ngành Cơ khí động lực (còn gọi là ngành Kỹ thuật cơ khí động lực) là một ngành khoa học nghiên cứu và ứng dụng. Ngành Kỹ thuật cơ khí động lực là một ngành phát triển từ ngành lớn Kỹ thuật cơ khí. Sự ra đời và phát triển của ngành Kỹ thuật cơ khí động lực nhằm đáp ứng như cầu nghiên cứu, phát triển, thiết kế và chế tạo 4 nhóm máy móc, thiết bị sử dụng phổ biến trong hệ thống sản xuất công nghiệp và năng lượng. Thứ nhất, nhóm thiết bị động lực  bao gồm động cơ nhiệt kiểu pit tông, động cơ tua-bin khí, động cơ tua-bin hơi nước. Đây là nguồn động lực của hệ thống truyền động của máy công trình hoặc các tổ hợp thiết bị di động (mobile machinery). Thứ hai, nhóm máy năng lượng bao gồm tua-bin thuỷ lực, tua-bin gió, tua-bin hơi nước và các thế hệ tua-bin mới như tua-bin thuỷ triều, tua-bin ứng dụng năng lượng sóng. Bên cạnh đó là các máy biến đổi năng lượng như máy bơm, máy nén khí đây là những máy móc, thiết bị sử dụng chủ yếu trong các hệ thống, dây chuyền sản xuất công nghiệp, khai thác chế biến khoáng sản. Thứ ba, Cơ khí động lực nghiên cứu hệ thống truyền động bao gồm truyền động cơ khí, truyền động tự động thuỷ lực, truyền động tự động khí nén và truyền động cơ khí – thuỷ lực. Cuối cùng, hệ điều khiển, nghiên cứu hệ điều khiển là khâu khép kín, hoàn thành trọn vẹn việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy thiết bị động lực, máy năng lượng và hệ truyền động. Ngành Cơ khí động lực bao gồm các học phần chia thành các khối: khoa học cơ bản, khoa học cơ sở ngành và các học phần chuyên ngành. Nội dung các học phần đều xoay quanh việc nghiên cứu và ứng dụng các nguyên lý vật lý, cơ học kết cấu và khoa học vật liệu, nguyên lý máy, hệ điều khiển nhằm phân tích, thiết kế và chế tạo thiết bị động lực, máy năng lượng và hệ truyền động.

Hiện nay, ngành Kỹ thuật cơ khí động lực của Trường Đại học Mỏ – Địa chất đào tạo hai chuyên ngành: Máy và tự động thuỷ khí. Kế thừa bề dày kinh nghiệm hơn 55 năm đào tạo lĩnh vực Cơ khí tại Trường Đại học Mỏ – Địa chất kết hợp với việc hội nhập, nắm bắt nhu cầu phát triển của xã hội, sinh viên ngành Kỹ thuật cơ khí động lực được trau dồi các kiến thức khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, được trang bị những kiến thức cơ sở ngành về lĩnh vực kỹ thuật Cơ khí như: Hình học hoạ hình, Vẽ kỹ thuật, Cơ lý thuyết, Sức bền vật liệu, Nguyên lý máy, Chi tiết máy, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điện tử, cho tới khối kiến thức chuyên ngành như Kỹ thuật vật liệu, Kỹ thuật gia công cơ khí, Tin học ứng dụng trong thiết kế máy (thiết kế 2D, 3D, phân tích & mô phỏng), Động cơ đốt trong, Máy thủy khí, Truyền động tự động thuỷ lực thể tích, Truyền động tự động khí nén, Lý thuyết cánh, Truyền động thuỷ động, Tua-bin nước và Máy bơm cánh dẫn, Lý thuyết điều khiển tự động. Bên cạnh đó còn có các môn học bổ trợ khối kiến thức máy khai khoáng.

Sinh viên được làm việc với các giảng viên được đào tạo tại các nước phát triển như Mỹ, Đức, Pháp, Canada, Nga, Nhật bản, Trung Quốc … Ngoài các khối kiến thức khoa học chuyên môn, sinh viên ngành Cơ khí động lực được chú trọng phát triển các kỹ năng: Kỹ năng tư duy logic, Kỹ năng tư duy sáng tạo, Kỹ năng làm việc nhóm, Kỹ năng quản lý thời gian. Bên cạnh đó, sinh viên còn được tham gia rèn luyện kỹ năng thực hành tại các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành với các thiết bị cơ khí tiên tiến; tham quan thực tế các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước; sinh hoạt tại các CLB và thường xuyên tham dự các cuộc thi chế tạo máy, lái xe sinh thái, robot trong và ngoài trường. Đây là những điểm mấu chốt không thể thiếu giúp sinh viên hoàn thiện những kỹ năng cơ bản nhất đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Sau khi tốt nghiệp sinh viên ngành Cơ khí động lực có thể làm việc tại:

  • Trường đại học, cao đẳng đào tạo lĩnh vực Cơ khí động lực, Cơ khí chung;
  • Viện nghiên cứu cơ khí, máy năng lượng, viện nghiên cứu máy và thiết bị khai thác mỏ;
  • Tư vấn, thiết kế dự án thuỷ điện, nhiệt điện, điện ngoài khơi;
  • Các doanh nghiệp sản xuất, khai thác mỏ;
  • Các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo máy và thiết bị động lực.