
Bài viết được trích dẫn từ nguồn: Cách gỡ 10 câu hỏi khó khi phỏng vấn xin việc của TS. Trần Đức Huân, mời bạn đọc tham khảo.
Với những sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, sắp sửa đi làm hoặc các bạn chuẩn bị “nhảy việc” thì việc săn tìm những công việc tương lai là điều bắt buộc. Tuy nhiên, trong quá trình tìm đến công việc mới, chúng ta luôn phải vượt qua ải “trả lời phỏng vấn xin việc”, đặc biệt với những công việc tốt, đòi hỏi chất lượng nhân sự cao. Trong quá trình phỏng vấn, ứng viên sẽ “đối mặt” với những câu hỏi phỏng vấn dễ có, khó có, và đôi khi có những tình huống dở khóc dở cười và việc của ứng viên là làm sao thể hiện tốt nhất, ghi điểm nhiều nhất trong mắt nhà tuyển dụng. Và trong post này, Huân sẽ chia sẻ và mách nước cho quý bạn đọc, các em sinh viên một số “kinh nghiệm” và góc nhìn cá nhân về cách ghi điểm cao nhất và “hạ gục” nhà tuyển dụng trong tình huống gặp những câu hỏi khó, thậm chí “xoắn não”. Bắt đầu nhé!
Quá trình chuẩn bị
Để có kết quả phỏng vấn tốt, đương nhiên đòi hỏi ứng viên cần có một sự chuẩn bị “đủ tốt”. Ngoài yếu tố “chuyên môn, nghề nghiệp” đã học tập và trau dồi được, một trong những kiến thức mà mọi ứng viên cần nằm lòng chính là hiểu rõ “đạo đức làm việc“, trong đó nguyên tắc “Công ty là trên hết” là quan trọng nhất (nếu chưa rõ thì xem tại đây) với nhà tuyển dụng. Nhớ nhé, gì thì gì chứ làm việc phải hiểu đạo đức và bắt buộc phải có đạo đức.

Đầu tiên: Cần hiểu rõ “Đạo đức làm việc” (ảnh: internet)Ngoài nền tảng “đạo dức làm việc”, chúng ta cần tìm hiểu thêm về công ty đang ứng tuyển (lịch sử, lĩnh vực hoạt động, giá trị cốt lõi, sứ mệnh, văn hóa công ty), và yêu cầu vị trí việc làm (nắm rõ mô tả công việc, những kỹ năng cần thiết, mức thu nhập trung bình thị trường). Thêm nữa cần “tự đánh giá” xem vị trí đó, công ty đó có phù hợp với mình không. Việc “tự đánh giá” rất quan trọng, vì nếu chọn vị trí và công ty không chuẩn, sẽ dẫn đến chán nản, hiệu quả làm việc không cao nếu “chẳng may trúng tuyển”. Nếu đã thực sự thích (hoặc hơi thích rồi) thì tuyệt đối hạn chế việc đi phỏng vấn mà không có thông tin về công ty và vị trí việc làm, nhé. Hãy dành thời gian tìm hiểu, đừng à uôm, đừng lười biếng nữa!
Trả lời phỏng vấn xin việc: Cách gỡ những câu hỏi “hại não”
Sau khi gửi hồ sơ xin việc (CV, cover letter), bạn nhận được thông tin hẹn phỏng vấn, đừng vội mừng nhé, giây phút “căng thẳng” đang chờ đợi ở phòng “tra tấn”, à nhầm phòng phỏng vấn. Sẽ có kha khá câu hỏi “thử thách” chờ đợi, những câu hỏi có thể liên quan tới tính cách, thành tựu quá khứ, kỳ vọng,.. thậm chí yêu đương. Nếu vượt rào xuất sắc, bạn sẽ nổi trội và “hạ gục” ngay lập tức nhà tuyển dụng. Và sau đây hãy cùng tìm hiểu những câu hỏi “hại não” và cách xử lý nhé (không phải tất cả).

Câu hỏi 1: Hãy nói NGẮN GỌN về bản thân?
Với câu hỏi này, chúng ta có thói quen lặp lại những thông tin đã ghi trong CV xin việc, vì vậy chỉ cần nêu ý chính (tên, tuổi, đến từ đâu) và tập trung vào các thông tin quan trọng khác.
Gợi ý trả lời: Hãy nhớ rằng nhà tuyển dụng đang hỏi để tìm hiểu sự phù hợp của bạn với vị trí công việc, vì vậy hãy chuẩn bị những câu trả lời về bạn nhưng gắn với công việc thay vì những vấn đề cá nhân. Bạn chỉ nên trả lời liên quan tới vấn đề cuộc sống cá nhân khi người tuyển dụng thực sự đi sâu và muốn tìm hiểu.
Câu hỏi 2: Vì sao bạn nghỉ việc ở nơi làm cũ?
Đây là 1 trong những câu phỏng vấn xin việc thường gặp nhất, và gây khá nhiều rắc rối cho ứng viên.
Gợi ý trả lời: Hãy đưa ra những câu trả lời mang tính tích cực, và tuyệt đối không được nói xấu công ty cũ, sếp cũ, chê bai chế độ đãi ngộ (ví dụ: tôi muốn tìm một môi trường chuyên nghiệp hoặc một cơ hội mới để tiếp tục phát triển khả năng…) và đặc biệt nhấn mạnh bằng những từ ngữ tốt đẹp về cơ hội, môi trường đó.
Câu hỏi 3: Điểm yếu của bạn là gì?
Đây là câu hỏi tương đối khó trả lời, vì nói “thẳng và thật” quá thì không tốt, mà bảo không có điểm yếu là không chuẩn.
Gợi ý trả lời: Cách xử lý tốt nhất là chuẩn bị sẵn một vài điểm yếu, nhưng ẩn chứa điểm mạnh trong đó (ví dụ: Tôi hay quên nên nhiều khi phải tự sắp xếp một lịch công việc chi tiết và dán nó trước mặt bàn… hoặc: tôi không giỏi về cách ăn nói, nên đôi khi thật thà quá dễ làm mất lòng…). Các câu trả lời thông minh sẽ giúp bạn biến điểm yếu thành điểm mạnh.
Câu hỏi 4: Điểm mạnh của bạn là gì?
Câu hỏi này giúp nhà tuyển dụng đánh giá “sự tự tin” của ứng viên về thế mạnh cá nhân, hãy cố gắng lấy điểm cao.
Gợi ý trả lời: Với câu này, bạn phải chuẩn bị thật tốt và nhớ là phải gắn những mô tả với công việc bạn đang ứng tuyển. Hãy nêu các điểm bạn thật sự mạnh, những hiệu quả và lợi ích bạn sẽ đem lại cho công ty, đồng thời đừng quên đưa ra những ví dụ mà bạn đã thực hiện công việc hoặc học tập trước đó (ví dụ: điểm mạnh nhất của em là khả năng kỷ luật và sắp xếp công việc, chính nhờ đó mà em có thể bố trí thời gian vừa học vừa đi làm thêm, và thành tích ra trường đạt bằng GIỎI)
Câu hỏi 5: Vì sao chúng tôi nên tuyển bạn?
Câu hỏi này mang tính thách thức, giúp nhà tuyển dụng tìm kiếm những “cá nhân khác biệt”, hãy chuẩn bị chu đáo, nhé.
Gợi ý trả lời: Nếu gặp phải một người phỏng vấn có cá tính, và đang tìm kiếm ứng viên cá tính, họ sẽ đặt câu hỏi mang tính thách thức như trên. Hãy trả lời trên những khía cạnh rằng bạn đam mê và yêu thích công việc ứng tuyển và hơn nữa công ty cũng cần người phù hợp, thậm chí “xuất chúng” để dẫn dắt, xây dựng, phát triển công ty. Nhưng lưu ý đừng so sánh bạn với bất kỳ ai khác.
Câu hỏi 6: Vì sao bạn lại không có việc làm trong thời gian qua (Không đi làm thêm thời sinh viên)?
Câu hỏi này giúp nhà tuyển dụng hiểu hơn về “quá khứ không tốt” của bạn, nếu khôn khéo bạn vẫn có thể ứng biến để ghi điểm cao.
Gợi ý trả lời: Có thể bạn không may mắn trong những lần phỏng vấn trước hoặc ốm đau, bận việc cá nhân, tập trung học… nhưng hãy lựa chọn cho mình câu trả lời khôn ngoan và tương đối thực tế (ví dụ: thời gian đó tôi tham gia khóa học tài chính nâng cao để có sự chuẩn bị tốt hơn khi đi làm, hoặc tôi tham gia chương trình tiếng Anh tại trung tâm quốc tế để phù hợp với công việc sắp tới). Bạn sẽ ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Câu hỏi 7: Bạn dự định làm cho chúng tôi trong bao lâu?
Câu hỏi này giúp nhà tuyển dụng hiểu hơn “ý đồ” của bạn khi xin vào công ty này, vị trí đó. Câu này không đơn giản, nha.
Gợi ý trả lời: Nếu bạn nói thời gian cụ thể thì dù ngắn hay dài cũng đều dễ bị nhà tuyển dụng bẻ lại. Và tuyệt đối không nói: tôi sẽ làm cả đời ở đây (vì ai cũng biết đó là lời nói dối). Cách tốt nhất là thừa nhận “đây là 1 câu hỏi khó, vì tương lai khó đoán” và đưa ra những câu trả lời hợp lý, như: “tôi sẽ làm cho công ty lâu nhất có thể nếu như cả hai đều hài lòng” hoặc “tôi sẽ làm hết sức và lâu dài nếu như thấy tốt cho cả hai”…
Câu hỏi 8: Bạn có nghĩ là năng lực của bạn vượt so với yêu cầu của chúng tôi?
Câu hỏi này giúp nhà tuyển dụng “dò tìm sự phù hợp” của ứng viên.
Gợi ý trả lời: Hãy thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn là người xin việc và đang cần một công việc phù hợp để phát triển khả năng và giúp phát triển công ty. Đừng biểu lộ những cảm xúc do dự hoặc không rõ ràng về năng lực của bạn so với công việc. Hãy cho họ thấy bạn là người phù hợp. (ví dụ: tôi thấy năng lực và phẩm chất rất phù hợp với công việc yêu cầu, và với vị trí đó tôi có thể phát huy hơn nữa điểm mạnh và sở trường của bản thân để góp phần phát triển tổ chức….)
Câu hỏi 9: Nếu được thay đổi một điều ở công ty cũ, bạn sẽ?
Câu hỏi này giúp nhà tuyển dụng tìm ra những “cay cú, hiềm khích” của bạn với công ty cũ.
Gợi ý trả lời: Hãy trả lời câu hỏi với tính xây dựng và định hướng tích cực. Tuyệt đối không chia sẻ bí mật công ty cũ, làm xấu hình ảnh đồng nghiệp, sếp cũ. (ví dụ: nếu được thay đổi, tôi mong muốn áp dụng công nghệ nhiều hơn vào quản lý, để giúp việc truyền tải thông tin và xử lý nội bội được thông suốt, hiệu quả hơn…)
Câu hỏi 10: Khi cần làm quá giờ, bạn sẵn sàng chứ?
Câu hỏi này giúp nhà tuyển dụng kiểm tra “sự yêu thích công việc” và “khả năng cân bằng cuộc sống” của bạn, hãy trả lời khôn khéo.
Gợi ý trả lời: Với câu này, hãy trả lời để chứng tỏ bạn sẵn sàng, nhưng cần có “nguyên tắc. (ví dụ: Tôi đam mê công việc này, và luôn sẵn sằng những lúc công ty THỰC SỰ cần. Và tôi cũng nghĩ mỗi chúng ta cần phải tìm được sự cân bằng giữa “làm việc” và “sống”….)
Tạm kết
Trên đây là góc nhìn cá nhân và một số gợi ý để bạn đọc tham khảo. Trong khi trả lời phỏng vấn xin việc, sẽ còn vô số tình huống xảy ra, nhưng dù thế nào thì Huân vẫn khuyên quý bạn, các em sinh viên hãy luôn nhớ: Hãy tìm nơi phù hợp để phát triển! Có thể nơi này chưa phù hợp, ta lại tìm nơi khác. Cuộc sống mà, tất cả sẽ ổn thôi.
Để tìm được những cơ hội tốt và các việc phù hợp, các em hãy chịu khó đăng ký tham gia các Website việc làm (như Carreer Builder) để thường xuyên nhận được những tin tuyển dụng mới nhất, phù hợp nhất.
Thêm nữa, để chuẩn bị tốt hơn cho quá trình phỏng vấn, Huân khuyên quý bạn đọc nên mua lấy một cuốn sách về lĩnh vực này để tự tìm hiểu, đọc nhiều, ngẫm nhiều sẽ thành quen. Một số sách có thể tham khảo là Thật đơn giản hoặc Những câu hỏi thuyết phục hoặc nhiều sách khác.
Nếu quý bạn đọc, các em sinh viên đã “đối mặt” với những tình huống phỏng vấn cam go, hãy chia sẻ cho Huân và những bạn đọc khác biết để tham khảo nhé.
Much love, thầy Huân.
Trên đây là giới thiệu bài viết về cách trả lời những câu hỏi khó khi phỏng vấn xin việc. Hy vọng các bạn có thể rút ra những kinh nghiệm và có sự chuẩn bị tốt nhất cho buổi phỏng vấn tới nhé,
Xem tiếp Phần 2: Cách đặt những câu hỏi chất như nước cất cho nhà tuyển dụng.
Để lại một phản hồi